Báo chí luôn đồng hành cùng sự phát triển đất nước, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước, báo chí luôn được coi là một trong những lực lượng chủ chốt trong công tác thông tin đối ngoại. Mang sứ mệnh lan tỏa thông tin, tuyên truyền và quảng bá hình ảnh đất nước tới bạn bè quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa quốc tế sâu, rộng.
Tuyên tuyền hình ảnh quốc gia là giới thiệu, phổ biến rộng rãi những nét đặc sắc của đất nước, quảng bá những yếu tố bản sắc dân tộc tới công chúng nước ngoài, qua đó thu hút cảm tình, niềm tin và thúc đẩy những quan hệ, hiểu biết lẫn nhau, giao lưu văn hóa, kinh tế – xã hội. Trên thực tế, tuyên truyền hình ảnh quốc gia từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới xác định là một “mũi nhọn” trong chính sách đối ngoại, như một công cụ tạo “sức mạnh mềm” cho đất nước, đồng thời huy động mọi lực lượng tham gia tuyên truyền nhằm gia tăng hiểu biết và khẳng định vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Với Việt Nam, trong quy hoạch về hệ thống báo chí đối ngoại định hướng đang được thực hiện dự định hoàn thiện vào năm 2025, Chính phủ đã xác định rõ đặc điểm của hình ảnh Việt Nam để tuyên truyền ra thế giới, đó là đất nước, con người, lịch sử, văn hóa và những thành tựu trong công cuộc đổi mới, tiềm năng và hiệu quả trong hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác trên khắp thế giới. Đối tượng tuyên truyền hình ảnh quốc gia hướng tới người nước ngoài ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác tuyên truyền chuyển tải thông điệp tới thế giới về hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, an toàn, thân thiện, có nền kinh tế phát triển năng động, hấp dẫn đầu tư và thu hút du lịch, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Trên cơ sở thông điệp đó, mục tiêu tuyên truyền được xác định là thông qua việc lan tỏa thông tin chính xác, sinh động về tình hình trong nước, về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm và lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực, báo chí làm nổi bật hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam, về thành tựu của công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Cũng qua đó, giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài hiểu sâu sắc về tình hình đất nước khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực, nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, huy động sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đối với việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững; đồng thời đấu tranh, phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.
Thế giới chuyển động từng ngày, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương biến động nhanh với nhiều yếu tố bất định, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, kéo theo những khó khăn, thậm chí khủng hoảng trong nhiều mối quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh nhiều thách thức như vậy, Việt Nam đang triển khai chính sách đối ngoại tích cực, thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, là một điểm sáng trong thành tựu chung của đất nước. Trong đó, công tác thông tin đối ngoại, nhất là tuyên truyền hình ảnh quốc gia được đánh giá đạt hiệu quả cao, ghi nhiều dấu ấn mới, đưa thế giới đến gần Việt Nam hơn, góp phần nâng cao thế và lực của đất nước. Trên hành trình xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, báo chí được xác định là một trong những lực lượng chủ chốt, trong đó báo chí đối ngoại giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp xứng đáng. Tại các lễ trao giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại hằng năm, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư luôn nhấn mạnh, thành công của công tác đối ngoại có sự đóng góp hiệu quả của báo chí, qua việc lan tỏa thông tin rộng rãi với bạn bè quốc tế. Báo chí luôn đồng hành cùng các hoạt động đối ngoại, hợp tác của Việt Nam, cũng như các sự kiện khu vực và quốc tế diễn ra trong nước, làm nổi bật vai trò và đóng góp của nước chủ nhà… Tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng tích cực và sâu rộng của đất nước là “mảnh đất màu mỡ” cho báo chí, song cũng đặt ra những khó khăn, khi phải tích cực cập nhật kiến thức đồng thời giữ vững bản lĩnh chính trị trong một thế giới diễn biến nhanh chóng và các mối quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp. Tại Chương trình kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2020) và buổi tiếp các nhà báo lão thành. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự tri ân “Những nhà báo qua các thời kỳ đã cống hiến hết mình, nhiều người đã hy sinh anh dũng, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp Nhân dân, Báo chí Cách mạng nước nhà đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng, quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong bối cảnh trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều, luận điệu sai lệch, báo chí đối ngoại cần phát huy vai trò nòng cốt, tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, gây chia rẽ trong xã hội, làm sai lệch hình ảnh quốc gia”.Đó cũng là nhiệm vụ khó khăn mà người làm báo đối ngoại thường xuyên đối mặt. Những người làm báo đối ngoại có những khó khăn riêng, vừa cần giỏi nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận thông tin và công nghệ mới, vừa cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén trong xử lý và chuyển tải thông tin. Giữa “biển thông tin” dồn dập đến từ nhiều nguồn về một thế giới gồm các sự kiện hợp tác và cạnh tranh đan xen, báo chí đối ngoại càng cần vững vàng và đổi mới, để theo kịp những chuyển biến mau lẹ của bối cảnh quốc tế, cũng như yêu cầu mới của thông tin đối ngoại.