Tọa đàm “Lợn Móng Cái – Sản vật quốc gia” – màn khởi động Đề án: phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản bản địa của viện nghiên cứu tài chính, đầu tư và hợp tác, thương mại Đông Nam Á
Thực hiện nghị quyết số 19–NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ v Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Viện nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á phối hợp với Văn phòng hội Nhà báo Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai thực hiện Đề án mang tên “Phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản bản địa” với mục tiêu tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng vùng miền, gắn kết Nhà sản xuất – Nhà khoa học – Nhà kinh doanh – Hoạt động truyền thông, xây dựng chuỗi liên kết thương mại trong kỷ nguyên số…
Thực hiện chương trình công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm. Trong 2 ngày 5 và 6/8/2023, tại Trung tâm OCOP Thôn Lục Phủ, Xã Bắc Sơn, Thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh. Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á phối hợp với Công ty cổ phần thương mại, công nghệ và truyền thông Hà Nội; Công ty cổ phần quốc tế Ngọc Hà; Công ty TNHH phát triển Nông Lâm Ngư Quảng Ninh tổ chức thành công chương trình trải nghiệm thực tế và tọa đàm chuyên đề “LỢN MÓNG CÁI – SẢN VẬT QUỐC GIA”.
Chương trình được tổ chức với sự tham gia của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí và truyền thông, các chủ trang trại và Lãnh đạo sở ban ngành của thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tham dự chương trình, về phía Lãnh đạo Viện có TS. Nguyễn Dũng Thương – Chủ tịch kiêm Viện trưởng, Ông Nguyễn Quang Thuận – Phó Viện trưởng thường trực, Bà Bùi Thị Thu Hà – Phó Viện trưởng phụ trách pháp chế và các đồng chí lãnh đạo là Trưởng/phó các phòng ban chức năng, Trưởng các phân viện trong toàn quốc. Về phía khách mời: Bà Phạm Thị Lý – Nhà sáng lập nền tảng công nghệ CheckVN Chủ tịch, CEO IDE Group; Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ và Dược liệu Việt Nam; Chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu, Tiêu chuẩn; Chuyên gia chuyển đổi số, nông nghiệp tuần hoàn, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển; Tiến sỹ Tống Văn Hải – Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại diện lãnh đạo thành phố Móng Cái: Bà Nguyễn Thị Hải – Trưởng ban phát triển kinh tế thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Chương trình trải nghiệm thực tế và tọa đàm “Lợn Móng Cái – sản vật quốc gia” tại thành phố Móng cái, tỉnh Quảng Ninh được xem là một trong những hoạt động trọng tâm, thu hút được sự quan tâm rất lớn không chỉ ở trong nước mà còn ở cả phạm vi quốc tế về giá trị thương hiệu và chất lượng đặc biệt của sản phẩm Lợn Móng Cái. Chương trình đã thu hút được tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và các địa phương nhằm lan tỏa giá trị của sản vật quốc gia mà thành phố Móng Cái đang sở hữu tới các địa phương khác trong toàn quốc đồng thời hướng tới thị trường quốc tế.
Tham gia Lễ ký kết gồm có đại diện đến từ SEAFIT, Công ty cổ phần Quốc tế Ngọc Hà, Công ty cổ phần Thương mại, Công nghệ và Truyền thông Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông Lâm Ngư Quảng Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong phạm vi chương trình trải nghiệm thực tế và tọa đàm “LỢN MÓNG CÁI – SẢN VẬT QUỐC GIA” – Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á (SEAFIT) và Công ty cổ phần Quốc tế Ngọc Hà, Công ty cổ phần Thương mại, Công nghệ và Truyền thông Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nông Lâm Ngư Quảng Ninh đã ký kết hợp tác xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng và tiêu thụ sản vật bản địa Lợn Móng Cái.
Phát biểu tại chương trình, thay mặt Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á, Ông Nguyễn Quang Thuận, Phó Viện trưởng thường trực (SEAFIT) nhấn mạnh: xây dựng chuỗi liên kết là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ chủ động hợp tác từ trong sản xuất đến tiêu thụ “liên kết 4 nhà,” thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản đa dạng theo hình thức chuỗi trong và ngoài địa phương.
“Hình thức này bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau. Do đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ đã tự nguyện cùng tham gia liên kết, hợp tác xây dựng,” ông Thuận nói.
Có thể nói, các chuỗi liên kết mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững.
Lợn Móng Cái được nhận diện thương hiệu-sản vật của địa phương là do đã được thuần hóa và chăn nuôi từ hàng trăm năm, có chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn với các giống lợn thông thường khác. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Thuận cũng cho biết thêm: nhiều chuỗi liên kết lấy hợp tác xã làm trung tâm kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, nhờ đó chuỗi sản xuất được đảm bảo từ đầu vào đến đầu ra. Hơn nữa, các loại hình sản phẩm được sản xuất từ các chuỗi sản xuất này cũng được bảo đảm về chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Sản phẩm được đưa ra thị trường nhanh chóng, phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đến tay người tiêu dùng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, Bà Phạm Thị Lý: Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ và Dược liệu Việt Nam; Chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu, Tiêu chuẩn; Chuyên gia chuyển đổi số, nông nghiệp tuần hoàn cho biết: Để tạo bước đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn thì vấn đề xây dựng chuỗi liên kết 5 nhà: Nhà Quản lý, Nhà Khoa học, Nhà Sản xuất, Nhà Phân phối và Người Tiêu dùng là mô hình sản xuất Nông nghiệp sinh học an toàn và bền vững trong tương lai gần.
Là thành viên trong chuỗi cam kết, bà Tống Thị Lợi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc tế Ngọc Hà chia sẻ các chuỗi liên kết sẽ giúp sản phẩm của các doanh nghiệp dễ gây dựng thương hiệu đồng thời được quảng bá, khẳng định vị thế trên thị trường nói chung, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành đơn vị dẫn đầu về số sản phẩm OCOP (mỗi xã/phường một sản phẩm) và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Bà Tống Thị Lợi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc tế Ngọc Hà. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tiến sỹ Tống Văn Hải, Trưởng Khoa Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết con lợn Móng Cái được nhận diện thương hiệu: sản vật của địa phương là do đã được thuần hóa và chăn nuôi từ hàng trăm năm, có chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn với các giống lợn thông thường khác.
“Để hỗ trợ địa phương, Sở Khoa học Công nghệ Quảng Ninh và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành phục tráng và bảo tồn giống lợn quý này bằng công nghệ AND. Cùng với đó, Học viện đã nghiên cứu đưa ra quy trình chăn nuôi cho giống lợn này đạt năng suất và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường không riêng tại Móng Cái mà ra toàn quốc,” ông Hải nói.
Dự án: “Phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản bản địa” với mục tiêu tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng vùng miền và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm theo mô hình 4.0 do Viện Nghiên cứu Tài chính, Đầu tư và Hợp tác, Thương mại Đông Nam Á (SEAFIT) phối hợp cùng Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Công thương Địa phương – Bộ Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư – Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các đơn vị phối hợp tổ chức xây dựng. Đây thực sự là một đề án mang nhiều ý nghĩa, không chỉ đơn thuần là phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sản bản địa giúp bà con vùng Biên viễn Móng Cái, tạo sinh kế, bám rừng, giữ vững biên cương của Tổ Quốc, mà cũng chính từ những sản sản phẩm đặc sản bản địa này sẽ truyền đi những thông điệp về tình yêu quê hương đất nước, sự tự tôn dân tộc, thu hút du khách khắp mọi miền Tổ Quốc tới thăm quan, trải nghiệm vùng đất biên cương đầy sóng gió và vô cùng tự hào./.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI CHƯƠNG TRÌNH TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ VÀ TỌA ĐÀM “LỢN MÓNG CÁI – SẢN VẬT QUỐC GIA”